Khi nào phải hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng?

Lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng được nêu rõ tại Nghị định số 104/2025 của Chính phủ.

Đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng

Nghị định 104/2025 của Chính phủ nêu rõ, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Hội công chứng viên tại địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Việc xây dựng Đề án phải lấy ý kiến của công chứng viên, viên chức khác, người lao động đang làm việc tại Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại Phòng công chứng (nếu có).

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp kèm theo Đề án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt Đề án, gửi Sở Tư pháp, Hội công chứng tại địa phương và Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tại địa phương thực hiện việc chuyển đổi Phòng công chứng theo Đề án đã được phê duyệt.

Khi nào phải hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: vneconomy).

Lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng

Căn cứ mức tự chủ tài chính của Phòng công chứng, lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương được thực hiện như sau:

Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2026;

Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2027;

Đối với các Phòng công chứng không thuộc 2 trường hợp nêu trên: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2028.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của Luật Công chứng, Nghị định này, pháp luật về tổ chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và tình hình thực tế tại địa phương để quyết định việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng của địa phương phù hợp với lộ trình quy định.

Phòng công chứng không chuyển đổi được thì bị giải thể

Phòng công chứng thuộc trường hợp chuyển đổi thành Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng mà không chuyển đổi được thì bị giải thể.

Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Công chứng và giải quyết chế độ, chính sách cho công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng theo quy định.

Việc giải thể Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật có liên quan.

Xử lý tài sản tại Phòng công chứng được chuyển đổi

Nghị định 104/2025 của Chính phủ cũng quy định cụ thể việc xử lý tài sản tại Phòng công chứng được chuyển đổi. Theo đó, việc xử lý tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đang do Phòng công chứng quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc xử lý tài sản.


Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/khi-nao-phai-hoan-thanh-viec-chuyen-doi-giai-the-cac-phong-cong-chung-a173028.html