ĐBQH: Nhà ở xã hội chỉ nên cho thuê để không bị biến thành nhà thương mại

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), việc chỉ nên cho thuê sẽ tránh được nguy cơ nhà ở xã hội sau một thời gian hoạt động lại trở thành nhà ở thương mại.

Đó là ý kiến của đại biểu Trần Văn Lâm (Phó trưởng đoàn Bắc Giang) khi trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội.

Theo ông Lâm, tính chất giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chưa rạch ròi. “Vì chưa rạch ròi nên chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư xây dựng, nhà ở xã hội lại biến thành nhà ở thương mại khi có một số nhà đầu tư tham gia vào thị trường này để hưởng nguồn lợi kinh tế nhất định.

Điều này khiến nhiều người không phải đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng muốn mình được hưởng sản phẩm này, còn người thuộc đối tượng được ưu tiên lại không tiếp cận được”, đại biểu Lâm nói.

ĐBQH: Nhà ở xã hội chỉ nên cho thuê để không bị biến thành nhà thương mại- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Lâm.

Vì thế ông Lâm cho rằng đã là nhà ở thương mại thì phải tuân theo thị trường, còn nhà ở xã hội thì do Nhà nước đứng ra lo và dành cho những người có nhu cầu cấp bách về nhà ở nhưng chưa có điều kiện mua vì thu nhập thấp.

“Nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp sao cứ phải bán? Chúng ta nên xây khu nhà đảm bảo dịch vụ, đảm bảo chất lượng ở mức tối thiểu rồi cho người có nhu cầu đến thuê. Đến lúc nào đó người ta khỏe về kinh tế, họ sẽ trả lại nhà ở xã hội, ra mua nhà ở thương mại. Nhà cũ đó ta tiếp tục cho người khác thuê ”, ông Lâm đề xuất.

Trong trường hợp bắt buộc phải bán, ông Lâm cho rằng, nhà ở xã hội nên có giá thấp và có nhiều phân khúc khác nhau. Cũng giống như doanh nghiệp sản xuất ô tô, họ bán ra thị trường có nhiều sản phẩm, từ phân khúc rẻ tiền, trung bình đến đắt tiền…

“Cần phát triển các dải phân khúc các nhà ở xã hội từ quy mô, diện tích, mức giá để ai có nhu cầu cũng có thể mua hoặc thuê. Nhà nước phải quy hoạch, cung cấp quỹ đất, còn các doanh nghiệp tập trung đầu tư, đưa sản phẩm ra thị trường ”, ông Lâm nêu quan điểm.

“Chính sách của chúng ta cũng đã rất ưu việt và cố gắng mở rộng nhằm hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội, qua đó giúp người khó khăn có nhu cầu được an cư. Cụ thể, chúng ta đã có chính sách hỗ trợ về đất đai, rồi hỗ trợ doanh nghiệp, người khó khăn về nguồn vốn. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận gốc rễ của vấn đề xem vì sao không ra được sản phẩm nhà ở xã hội trong khi nhu cầu rất lớn”, đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Dự kiến ngày mai (20/5), Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Trong dự thảo nghị quyết, hàng loạt điểm nghẽn lâu nay đã được nhận diện và đề xuất phương án xử lý dứt điểm. Nếu các chính sách này được Quốc hội thông qua và triển khai hiệu quả, thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội có thể rút ngắn từ 375 đến 525 ngày.

Trong đó, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu thầu với những dự án đã đủ điều kiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giúp cắt giảm gần 200 ngày so với quy trình hiện hành.

Sự phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư cũng là bước chuyển từ “xin - cho” sang “trao quyền và trách nhiệm”, giảm thiểu tình trạng ách tắc do cơ chế phê duyệt chồng chéo, tầng nấc.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/dbqh-nha-o-xa-hoi-chi-nen-cho-thue-de-khong-bi-bien-thanh-nha-thuong-mai-a172829.html