'Ông hoàng thơ tình' của Việt Nam là ai? Nữ nhà thơ nào luôn khao khát trong tình yêu, sẵn sàng tìm vợ cho chồng cũ?

Thơ ca, từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Không chỉ để lại dấu ấn bằng những tác phẩm đi vào lòng người, các nhà thơ còn gây thương nhớ cho độc giả bằng những câu chuyện đời tư thú vị, những mối tình đầy thăng trầm và những bí mật ít ai biết.

1. "Ông hoàng thơ tình" của Việt Nam là ai?

Danh hiệu "Ông hoàng thơ tình" của Việt Nam thuộc về nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985). Ông là một nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn, nhà phê bình văn học nổi tiếng. Xuân Diệu được biết đến với những tác phẩm tràn đầy cảm xúc, đặc biệt là về tình yêu. Thơ của ông ngọt ngào, sâu lắng, thể hiện những cung bậc cảm xúc đặc biệt trong tình yêu.

Xuân Diệu là con người toàn tâm, toàn trí, cống hiến hết mình cho thơ ca. Trong thơ của ông luôn thể hiện cái tôi cá nhân mạnh mẽ, ý thức sâu sắc về sự hiện hữu của bản thân trong cuộc đời và khát khao sống cháy bỏng. Các tác phẩm tiêu biểu của "ông hoàng thơ tình" bao gồm: Yêu, Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Phấn thông vàng,...

Ông hoàng thơ tình, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ của tình yêu

Danh hiệu "Ông hoàng thơ tình" của Việt Nam thuộc về nhà thơ Xuân Diệu

Trong đó, bài thơ "Vội vàng" được in trong tập Thơ thơ của Xuân Diệu được nhiều thế hệ học sinh biết đến. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng 8 và cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong phong trào thơ mới. "Vội vàng" đã trở thành một biểu tượng trong văn học Việt Nam và thường được giới thiệu trong chương trình giáo dục cấp THPT. Bài thơ khiến người đọc cảm nhận sự vội vàng của cuộc đời, nó đẩy chúng ta phải suy tư về thời gian trôi qua một cách đầy lo lắng và khắc khoải.

"Vội vàng" như một lời nhắc nhở cho chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, rằng cuộc sống ngắn ngủi và thời gian luôn luôn đang trôi đi. Chúng ta cần trân trọng mỗi khoảnh khắc, mỗi giây phút để tận hưởng và sống một cuộc đời ý nghĩa.

2. Ai được mệnh danh là "nữ thi sĩ của tình yêu"?

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ra trong làng La Khê - một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhuệ hiền hòa. Mồ côi mẹ từ sớm, lớn lên giữa thời kỳ đất nước phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, mới 13 tuổi Xuân Quỳnh đã trở thành một diễn viên múa trong Đoàn ca múa Trung ương ở khu văn công Mai Dịch. Tuy nhiên, với niềm đam mê văn chương luôn thổn thức trong trái tim, bà quyết định lấn sân sang mảnh đất thi ca.

Nổi tiếng với giọng thơ như thủ thỉ vào tai người đọc, sử dụng luật bằng trắc khéo léo, thơ của Xuân Quỳnh dễ chạm đến trái tim và dễ nhớ. Trong những vần thơ của mình, bà thể hiện sâu sắc và tinh tế những cung bậc cảm xúc trong tình yêu, từ hạnh phúc, đam mê đến khắc khoải, đau buồn. Bà thường viết về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, và những cảm xúc tự nhiên, chân thành, gần gũi với đời sống thường ngày. Từ đó, Xuân Quỳnh được gọi là "nữ thi sĩ của tình yêu”.

Ông hoàng thơ tình, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ của tình yêu

Tác phẩm tiêu biểu nhất của Xuân Quỳnh là bài thơ "Sóng" được sáng tác vào năm 1967, trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền, Thái Bình. Đây là thời điểm đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng "Sóng" lại mang một sắc thái hoàn toàn khác: nó là tiếng lòng da diết của người con gái yêu trong những tháng ngày khát khao sống và yêu mãnh liệt. Bài thơ được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968) và nhanh chóng trở thành một trong những thi phẩm tình yêu tiêu biểu nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Trước khi đến với nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh từng trải qua mối tình với chồng là Violin Lưu Tuấn. Họ gặp nhau khi Xuân Quỳnh còn rất trẻ, những rung động đầu đời đã đưa hai tâm hồn nghệ sĩ xích lại gần nhau. Lưu Tuấn, với tính cách trầm lặng, sâu sắc, được cho là người mang đến cho Xuân Quỳnh những trải nghiệm đầu tiên về tình yêu và hôn nhân. Hai người kết hôn và có với nhau một người con trai.

Tuy nhiên, sau thời gian chung sống, cả hai đã đường ai nấy đi. Thế nhưng, Xuân Quỳnh là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, đối xử với mọi người một cách rất nhân văn. Theo chị gái của Xuân Quỳnh, bà Đông Mai tiết lộ, nữ nhà thơ từng mong muốn tìm vợ cho chồng cũ. Hành động này thể hiện sự tử tế và lòng nhân ái đáng ngưỡng mộ của Xuân Quỳnh.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/ong-hoang-tho-tinh-cua-viet-nam-la-ai-nu-nha-tho-nao-luon-khao-khat-trong-tinh-yeu-san-sang-tim-vo-cho-chong-cu-a172535.html