Ngày 17-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết sáng 17-5. Ảnh: Phạm Thắng
Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị các chính sách về khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng pháp luật được thực hiện khoán chi theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động.
Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại phiên họp ngày 16-5 và cho rằng mức khoán chi cho công tác xây dựng pháp luật như phương án Chính phủ trình ban đầu là quá cao.
Theo phương án trình ban đầu, mức khoán chi cho việc xây dựng một bộ luật mới; bộ luật thay thế bộ luật hiện hành (từ xây dựng đến thông qua) là 20 tỉ đồng; Luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỉ đồng; Bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỉ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là 9 tỉ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành là 4,5 tỉ đồng; Nghị quyết thí điểm của Quốc hội là 7 tỉ đồng; Nghị quyết của Quốc hội là 4,5 tỉ đồng… Trong đó, khâu xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70% mức khoán chi; còn 30% dành cho khâu thẩm tra, thông qua.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh mức khoán chi và Quốc hội đã quyết nghị thông qua. Việc khoán chi theo nhiệm vụ hoặc hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế thực hiện theo tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này.
Theo phụ lục kèm Nghị quyết được Quốc hội thông qua, tổng mức chi để xây dựng một bộ luật mới; bộ luật thay thế bộ luật hiện hành (từ xây dựng đến thông qua) là 14 tỉ đồng. Mức này đã giảm 30% (tương đương 6 tỉ đồng) so với dự thảo trình trước đó.
Mức khoán chi để xây dựng một luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 12,5 tỉ đồng; Bộ luật sửa đổi, bổ sung là 7 tỉ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là 6,5 tỉ đồng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành (không thuộc các trường hợp trên) là 4 tỉ đồng…
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý mức khoán chi theo hướng về cơ bản giảm tổng định mức khoảng 30% cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế của cơ quan ở Trung ương.
Giải trình làm rõ hơn, ông Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, mức khoán chi cho từng loại văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế nêu trên là tổng mức tối đa ngân sách chi trả nếu thực hiện đầy đủ, trọn vẹn các hoạt động trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn định mức cụ thể cho từng hoạt động sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định.
Theo đó, hoạt động nào không thực hiện, ví dụ văn bản được xây dựng trong trường hợp cấp bách thì không phải đánh giá tác động của chính sách; văn bản được xây dựng trong trường hợp đặc biệt có thể không phải thẩm định, thì ngân sách không chi trả theo định mức cho hoạt động đó.