Là nền kinh tế số 1 thế giới, vì sao suốt 60 năm nước Mỹ chưa thể làm tàu cao tốc?

Mỹ trầm trồ nhìn tàu cao tốc Trung Quốc đi từ Bắc Kinh tới Hong Kong trong 9 tiếng, 60 năm ôm giấc mộng phục thù vẫn chưa thành công.

Sáu thập kỷ sau khi Nhật Bản ra mắt hệ thống tàu cao tốc Shinkansen, tổng cộng tàu cao tốc kết nối những thành phố lớn ở châu Âu, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc đã hình thành nên hệ thống khổng lồ lên tới 26.000 dặm. Những khu vực khác cũng đang dần mở rộng: Các đội tàu cao tốc đang trải khắp Morocco, trên những sa mạc Ả rập Saudi và khắp đảo Java của Indonesia. Nhưng có một ngoại lệ lớn là Nước Mỹ!

Tại nền kinh tế số 1 thế giới, người dân vẫn phải chật vật với những chuyến bay đông đúc và những đường cao tốc đông nghẹt xe khi mà những đoàn tàu cao tốc vẫn lần lượt được ra mắt từ hết quốc gia này tới quốc gia khác.

Vào năm 2023, Landrieu, cựu thị trưởng New Orleans từng nói: “Có nhiều cơ hội đang hiện hữu thời điểm này. Tôi không nói về bất kỳ đề xuất nào đặc biệt đang thực thi nhưng đủ cơ sở để nói rằng chính phủ đang muốn đi thật nhanh. Kỳ vọng của tôi, chỉ là kỳ vọng thôi nhé, là những quyết định này sẽ được thực hiện trước cuối mùa hè năm nay. Có thể là trước quý 3 hoặc 4”. Dẫu vậy, cho tới giờ là năm 2025, giấc mơ đó vẫn chưa thành công.

Trên thực tế, tại Mỹ hiện có hai dự án đường sắt cao tốc (HSR) đang được thi công và nhiều kế hoạch khác đang được chuẩn bị. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ cuối cùng có bắt đầu bắt kịp các tuyến tàu cao tốc như ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu hay không?

Rick Harnish, đại diện của tổ chức vận động High Speed Rail Alliance tại Mỹ cho biết ít nhất cũng đáng mừng khi hai dự án đầu tiên đang được triển khai xây dựng.

“Dự án đầu tiên là tuyến từ San Francisco đến Los Angeles”, ông giải thích. “Đây là tuyến đường vô cùng khó xây dựng do địa hình đồi núi tại California. Còn tuyến từ Las Vegas đến Los Angeles thì tương đối dễ thi công vì địa hình bằng phẳng”.

Ngoài ra còn có kế hoạch cho tuyến HSR từ Portland (bang Oregon) đến Seattle (bang Washington), và tiếp tục đến Vancouver (Canada). Một tuyến khác dự kiến nối giữa Dallas và Houston.

Tuy nhiên, ông Harnish cảnh báo rằng việc lập kế hoạch cho tuyến nối Portland–Seattle–Vancouver đang “tiến triển chậm”, trong khi dự án Texas hiện gặp nhiều nghi ngờ sau khi chính quyền Tổng thống Trump đã hủy khoản tài trợ trị giá 63,9 triệu USD.

Trái ngược hoàn toàn, tổng chiều dài mạng lưới HSR của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt 50.000 km trong năm nay. Người ta có thể đi từ Bắc Kinh đến Hong Kong chỉ bằng 9 tiếng tàu cao tốc, hoặc từ Madrid đến Barcelona với 3 tiếng.

Là nền kinh tế số 1 thế giới, vì sao suốt 60 năm nước Mỹ chưa thể làm tàu cao tốc?- Ảnh 1.

Tàu cao tốc Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu có tổng cộng 8.556 km đường HSR, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu là 3.190 km.

Tại Vương quốc Anh, tuyến HSR duy nhất hiện tại là High Speed 1, dài 68 dặm nối giữa đường hầm Channel Tunnel và nhà ga London St Pancras. Tuy nhiên, tuyến High Speed 2 từ London Euston đến Birmingham vẫn đang được xây dựng dù gặp nhiều vấn đề về ngân sách đã được công khai.

Mặc dù không có định nghĩa thống nhất trên toàn cầu về HSR, nhưng theo Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (International Union of Railways), tàu được coi là HSR khi đạt tốc độ hơn 250 km/h (155 mph).

Với tốc độ hơn 300 km/h, bạn có thể đi từ New York đến Chicago chỉ trong 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên với tốc độ tàu hiện nay của Mỹ thì bạn sẽ phải mất đến 20 tiếng", chuyên gia Juliet Eldred trong ngành đường sắt tại Mỹ ngán ngẩm nói.

Vậy tại sao Mỹ lại tụt hậu so với châu Âu, đặc biệt là Trung Quốc?

“Chúng tôi là một quốc gia nghiện ô tô”, nhà báo chuyên ngành đường sắt và tác giả người Mỹ Will Doig nhận xét. “Có rất nhiều người đơn giản không nghĩ rằng chúng ta cần HSR, hoặc không muốn nó đi qua khu vực họ sinh sống. Và chính phủ Mỹ thực sự đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc cắt giảm đầu tư cho nhiều dự án, đặc biệt là đường sắt”.

Tình hình tại Mỹ càng thêm phức tạp khi Giám đốc điều hành của Amtrak – công ty vận hành tàu khách thuộc sở hữu chính phủ – ông Stephen Gardner, đã từ chức vào tháng trước. Nhiều nguồn tin cho rằng ông rời vị trí do chịu áp lực từ Nhà Trắng.

Hiện Amtrak chưa vận hành bất kỳ đoàn tàu HSR nào. Cuối năm nay, công ty dự kiến đưa vào khai thác 28 đoàn tàu NextGen Acela tốc độ 160 mph (khoảng 257 km/h) trên tuyến Northeast Corridor từ Boston đến Washington DC. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50 dặm trên tổng chiều dài 457 dặm của tuyến này hiện cho phép tàu chạy hơn 150 mph.

Amtrak không tham gia vào các dự án HSR đang xây dựng tại California và Nevada. Dự án từ LA đến San Francisco – gọi là California High-Speed Rail – do chính quyền bang California dẫn dắt và dự kiến hoàn thành vào năm 2033.

Tuyến từ Los Angeles đến Las Vegas – Brightline West – là một dự án do tư nhân thực hiện. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2028.

Trên toàn cầu, theo ông Harnish, hiện có 23 quốc gia có mạng lưới HSR. Tổ chức phi lợi nhuận của ông hoạt động với sứ mệnh duy nhất là đưa HSR đến với nước Mỹ.

Việc vận hành tàu HSR một cách an toàn không hề đơn giản, ông cho biết thêm. “Không được có giao cắt với đường cao tốc, tuyến phải rất thẳng và hành lang phải được bảo vệ kín hoàn toàn”.

Chưa kể đến việc, những dự án đường sắt cao tốc tại Mỹ còn gặp sự phản đối của các chính trị gia cho đến sự vận động hành lang của những hiệp hội, tập đoàn hàng không, xe hơi... Việc tham gia của người chơi mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người trong mảng giao thông vận tải, du lịch, năng lượng.

Có lẽ, người Mỹ đã quá quen dùng xe hơi và máy bay khiến việc phát triển tàu cao tốc bị bỏ bê. Mọi việc chỉ bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc và Châu Âu phát triển mạnh đường sắt và nhận được những lợi ích rõ ràng trong bối cảnh giá xăng dầu biến động và phong trào bảo vệ môi trường dâng cao.

TƯƠNG LAI RA SAO?

Bất chấp những trở ngại, các dự án ở California và Texas vẫn duy trì một triển vọng lạc quan.

“Chương trình đường sắt cao tốc của California tiếp tục thực hiện đúng cam kết xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc chạy hoàn toàn bằng điện, nối giữa Vùng Vịnh và Los Angeles – tạo việc làm và cơ hội kinh tế, hỗ trợ khả năng tiếp cận nhà ở, và đặt nền móng cho một mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối, phục vụ cho tất cả người dân California”, người phát ngôn của cơ quan quản lý dự án nói với Newsweek.

Dẫu vậy, đối với cả hai dự án, quá trình xây dựng mới chỉ bắt đầu, và sự phản đối từ giới chính trị vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Theo: Forbes, Newsweek, BBC

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/la-nen-kinh-te-so-1-the-gioi-vi-sao-suot-60-nam-nuoc-my-chua-the-lam-tau-cao-toc-a172255.html