Một số tuyến xe buýt của Saigon Bus - Ảnh: CHÂU TUẤN
Cổ đông chiến lược từ năm 2016
Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus, UPCoM: BSG) vừa công bố một số thông tin liên quan đến ba cổ đông lớn.
Cụ thể Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô, cổ đông chiến lược từ năm 2016 đang nắm hơn 14,4 triệu cổ phiếu, tương đương 24,05% vốn điều lệ Saigon Bus, đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu này, nhằm mục đích "phục vụ nhu cầu tài chính đầu tư mở rộng kinh doanh".
Đồng thời hai cá nhân có mối quan hệ với chủ tịch Tân Thành Đô là ông Phạm Anh Hưng và ông Nguyễn Văn Thành cũng đồng loạt đăng ký bán toàn bộ hơn 13,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, cho nhu cầu tài chính cá nhân. Ba giao dịch vừa nêu dự kiến thực hiện từ ngày 16-5 đến 13-6, theo cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Tập đoàn Tân Thành Đô trở thành nhà đầu tư chiến lược của Saigon Bus từ thời điểm công ty này cổ phần hóa vào năm 2016. Khi đó hơn 14,4 triệu cổ phần phổ thông bị hạn chế chuyển nhượng trong tối thiểu 5 năm. Sau thời gian hạn chế, cổ đông này tiếp tục duy trì quyền sở hữu đến nay.
Trong giai đoạn đầu khi cổ phần hóa, Công ty TNHH Chứng khoán ACB cũng là cổ đông lớn, nắm 15% vốn Saigon Bus. Tuy nhiên đến năm 2017, đơn vị này đã thoái toàn bộ vốn và ông Phạm Anh Hưng trở thành cổ đông mới, nắm giữ mức sở hữu tương đương.
Theo báo cáo thường niên năm 2024, ông Trần Ngọc Dân, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Thành Đô từ năm 2012 đến nay, hiện là thành viên hội đồng quản trị của Saigon Bus.
Ông đồng thời giữ nhiều chức vụ tại các doanh nghiệp như chủ tịch Cửa Lò Golf Resort và chủ tịch City Auto.
City Auto là đơn vị ủy quyền phân phối Ford và Hyundai TC Motor Việt Nam, công ty mẹ đại lý 3S của thương hiệu xe Volkswagen.
Ngoài ra, con trai ông Dân là ông Trần Lâm - tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam - từng giữ vai trò điều hành Land Rover Việt Nam và hiện cũng là thành viên hội đồng quản trị Saigon Bus, phó tổng giám đốc Tân Thành Đô.
Ngay sau khi thông tin thoái vốn được công bố, cổ phiếu BSG giảm mạnh trong phiên 15-5, về mức 12.500 đồng/cổ phiếu.
Hiện Saigon Bus còn một cổ đông lớn là Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (nắm 49% vốn).
Lỗ lũy kế, phương tiện cũ và cạnh tranh từ xe cá nhân
Việc nhóm cổ đông Tân Thành Đô đồng loạt thoái vốn đánh dấu một bước chuyển đáng chú ý trong cơ cấu sở hữu Saigon Bus, công ty vận tải có tiền thân là doanh nghiệp được thành lập năm 1976.
Hiện nay Saigon Bus cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đưa rước công nhân, sinh viên, vận tải theo hợp đồng… và gặp nhiều thách thức trong vận hành, mở rộng.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025, Saigon Bus đặt mục tiêu doanh thu khoảng 562 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 16 tỉ đồng. Doanh nghiệp này hiện còn lỗ lũy kế, khiến hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh bị hạn chế.
Một số khó khăn được lãnh đạo công ty chỉ ra gồm phần lớn phương tiện đã sử dụng trên 5 - 10 năm, thường xuyên hư hỏng; vướng mắc pháp lý tại các khu đất do công ty quản lý chưa được tháo gỡ; cạnh tranh khốc liệt từ phương tiện cá nhân và xe công nghệ, khiến xe buýt không còn là lựa chọn phổ biến của người dân.
Tính đến cuối năm 2024, Saigon Bus có khoảng 1.000 lao động, với 57% là lao động có hợp đồng không thời hạn. Mức thu nhập bình quân mỗi người năm qua đạt hơn 15 triệu đồng/tháng, tăng gần 13% so với năm 2023.
Một điểm đáng chú ý là mức thù lao và lợi ích khác của hội đồng quản trị trong năm 2024 tăng gần gấp đôi, lên hơn 1,2 tỉ đồng. Riêng bà Lê Thị Bích Hạnh, chủ tịch, nhận 176 triệu đồng, tăng đáng kể so với mức 96 triệu đồng năm 2023.
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/anh-em-tap-doan-tan-thanh-do-muon-dong-loat-buong-tay-saigon-bus-a172077.html