Cư dân phải đóng phí quản lý vận hành, phí gửi xe... khi sinh sống trong các chung cư - Ảnh: T.T.D.
Từ việc này, có nhiều vấn đề cần làm rõ để chấn chỉnh hoạt động của BQT chung cư hoặc chỉnh sửa các quy định về thuế và các vấn đề khác để hoạt động này đi vào nề nếp.
Chỉ có phiếu thu, không có hóa đơn
Theo tìm hiểu, BQT một số chung cư cho biết đã từng hỏi cơ quan thuế và được khẳng định rằng kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư về nguyên tắc do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nộp cho chủ đầu tư hoặc BQT, chứ không phải là hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, mức phạt lên tới gần 120 tỉ đồng cho hành vi "trốn thuế" 453 triệu đồng, theo các chuyên gia, là quá nặng.
Ông Nguyễn Tuấn Vỹ (ngụ TP Thủ Đức) cho biết trong nhiều năm qua, chung cư mà gia đình ông đang ở chỉ gửi thông báo thanh toán phí quản lý hằng tháng bằng phiếu giấy. Phiếu thông báo phí này bao gồm phí quản lý với đơn giá 7.000 đồng/m², phí giữ xe 70.000 đồng/xe máy và tiền nước theo định mức như quy định của công ty cấp nước.
Sau khi nhận phiếu, cư dân sẽ đóng tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản đến số tài khoản đã được cung cấp trước ngày 30 hằng tháng, nếu không sẽ bị chế tài là cắt nước.
"Cứ có thông báo là chúng tôi sẽ chuyển khoản đóng tiền, nơi thu không gửi lại xác nhận thanh toán hay bất kỳ hóa đơn nào khác xác nhận đã đóng tiền", ông Vỹ nói.
Người dân tìm hiểu các thông tin của ban quản lý tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Lấy tiền đâu ra nộp?
Việc BQT chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt gần 120 tỉ đồng do không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho cư dân, trốn thuế với số tiền 453 triệu đồng khiến không ít doanh nghiệp, BQT của nhiều chung cư trên địa bàn hoang mang, lo lắng.
Bởi trong thực tế, hầu hết BQT tại các chung cư đều không kê khai, xuất hóa đơn khi thu tiền cung cấp dịch vụ cho cư dân.
Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng các cơ quan thuế địa phương và Cục Thuế có văn bản trả lời là "Căn cứ quy định của nghị định 125 ban hành năm 2020 của Chính phủ đối với hành vi vi phạm hành chính được lặp đi lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau thì bị xử lý "từng hành vi"" gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, nếu người nộp thuế vi phạm nhiều lần, từ hành vi sau sẽ bị tính là tình tiết tăng nặng, mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt.
Mức xử phạt hành chính như trên quá lớn dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện được nghĩa vụ thuế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt mà còn làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của công tác xử lý vi phạm.
Theo ông Được, chế tài xử lý vi phạm về thuế theo Bộ luật Hình sự 2015 về tội trốn thuế với mức phạt tiền tối đa 4,5 tỉ đồng đối với cá nhân và 10 tỉ đồng đối với tổ chức (điều 200). Hoặc là phạt cá nhân tối đa 500 triệu đồng và tổ chức 1 tỉ đồng đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn (điều 203).
"Nói cách khác, chế tài xử lý hành chính cao hơn rất nhiều chế tài xử lý hình sự là chưa phù hợp với tinh thần xử lý hành chính và hình sự", ông Được nói.
Giám đốc một công ty tư vấn thuế tại TP.HCM cũng cho rằng việc xử phạt hành chính như nêu trên là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
"Cơ quan thuế đã vận dụng tại khoản 3 điều 5 nghị định 125/2020 để xử phạt từng hành vi đối với trường hợp vi phạm nhiều lần được xác định là tình tiết tăng nặng phù hợp với nghị định 125 nhưng không phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính", vị này nhận định.
Các chung cư hiện nay được quản lý bởi BQT và ban quản lý. Trong đó, BQT được bầu tại hội nghị nhà chung cư và hoạt động theo nhiệm kỳ, có chức năng đại diện cho cư dân và chủ đầu tư (nếu có) để giám sát, đảm bảo việc quản lý, sử dụng tòa nhà tuân thủ theo các quy định pháp luật.
Còn ban quản lý chung cư là đơn vị được chủ đầu tư hoặc BQT thuê để thực hiện nhiệm vụ vận hành cho chung cư đó. Ban quản lý chung cư có chức năng thu kinh phí dịch vụ quản lý vận hành chung cư.
Không phải là hoạt động bán hàng
Đại diện một doanh nghiệp quản lý, vận hành chung cư cho biết vào tháng 4-2024, Chi cục Thuế khu vực 2 (trước đây là Cục Thuế TP.HCM) đã có công văn cho biết kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư về nguyên tắc do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nộp cho chủ đầu tư hoặc BQT, đây không phải là hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Vì vậy, khi thu phí quản lý vận hành và các khoản thu hộ, chi hộ khác theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư hoặc thỏa thuận với các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì BQT, chủ đầu tư hoặc đơn vị thu hộ lập chứng từ thu (không lập hóa đơn), không kê khai, nộp thuế VAT, thuế TNDN đối với khoản thu này.
Đối với các khoản thu khác ban quản lý/BQT chung cư căn cứ vào phương pháp tính thuế của đơn vị để lập hóa đơn, kê khai, nộp thuế VAT, thuế TNDN theo quy định.
Phải sửa luật cho phù hợp với thực tiễn
Theo ông Nguyễn Văn Được, với quan điểm xử lý hành chính như cơ quan thuế áp dụng trên dẫn đến mức phạt rất cao gây áp lực cho người bị xử lý vi phạm hành chính (doanh nghiệp, người nộp thuế...) không có khả năng thi hành quyết định xử phạt hành chính dẫn đến mục tiêu của xử lý vi phạm hành chính không đạt được.
Đây cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến các quyết định xử phạt hành chính không được thi hành trong thời hạn 12 tháng theo quy định.
Để đảm bảo đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, theo ông Được, cần thống nhất quan điểm: Hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là "tình tiết tăng nặng" và không bị xử phạt từng hành vi.
Bộ Tài chính cũng cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi nghị định 125 cho phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung Luật Vi phạm hành chính.
Ngoài ra mức phạt tiền tối đa được áp dụng trên tổng mức phạt của tất cả các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo nguyên tắc xử lý hành chính mang tính chất răn đe, đồng thời giảm bớt áp lực cho người bị xử lý vi phạm hành chính cũng như phù hợp thực tiễn.
Cơ quan thuế nói về mức phạt 120 tỉ đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ lý do BQT chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt đến 119,8 tỉ đồng, dù được xác định chỉ trốn thuế hơn 453 triệu đồng do không lập 7.260 tờ hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân, Đội thuế huyện Bình Chánh cho biết mức phạt nặng nhất đối với hành vi bán hàng không lập hóa đơn.
Theo điều 52 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, việc xử phạt với hành vi bán hàng không lập hóa đơn sẽ tính trên từng tờ hóa đơn.
Tờ thứ nhất mức phạt là 15 triệu đồng. Từ tờ thứ hai áp dụng một tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần với mức phạt 16,5 triệu đồng/tờ.
Người dân tìm hiểu nội quy của một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Với hành vi không lập 7.260 tờ hóa đơn khi thu các khoản từ hoạt động quản lý nhà chung cư, cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 119 tỉ đồng.
Đội thuế huyện Bình Chánh cũng đã chuyển toàn bộ hồ sơ trốn thuế của BQT chung cư này sang cơ quan điều tra.
Trước đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ tố cáo của một cá nhân đối với BQT chung cư này, Đội thuế huyện Bình Chánh đã ghi nhận BQT có hai nguồn thu. Một là thu từ hợp đồng cho thuê trạm viễn thông, công ty quản lý vận hành chung cư đã lập hóa đơn và khai thuế giá trị gia tăng (VAT) toàn bộ doanh thu theo hợp đồng.
Tuy nhiên, BQT không kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với phần doanh thu được chia từ hợp đồng trên.
Nguồn thu thứ hai là thu từ quản lý nhà chung cư (phí quản lý, tiền giữ xe, tiền gas, tiền nước) của 242 căn hộ trong thời gian 30 tháng, từ tháng 5-2022 đến tháng 10-2024 nhưng cũng không lập hóa đơn (7.260 tờ), không kê khai, nộp thuế.
Sau khi có văn bản xin ý kiến về khoản thu từ quản lý nhà chung cư (phí quản lý, tiền giữ xe, tiền gas, tiền nước) có phải lập hóa đơn, kê khai, nộp thuế hay không, Đội thuế huyện Bình Chánh được Chi cục Thuế khu vực 2 khẳng định là "dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thuộc đối tượng chịu thuế VAT, thuế TNDN theo quy định...".
Theo đó, nếu được thành lập để thu tiền các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và cung cấp dịch vụ quản lý vận hành, BQT phải kê khai, nộp thuế VAT, thuế TNDN theo quy định. Việc sử dụng hóa đơn của BQT thực hiện theo quy định tại nghị định số 123-2020 của Chính phủ...
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/vu-ban-quan-tri-chung-cu-bi-phat-gan-120-ti-nhieu-van-de-can-lam-ro-a171884.html