Những tâm tình trong tranh của các nữ họa sĩ dễ dàng lay động người xem - Ảnh: H.VY
Chín họa sĩ, chín cá tính hội họa riêng biệt và giàu rung cảm vừa cùng góp mặt trong triển lãm thú vị "Phụ nữ vẽ phụ nữ", đang trưng bày đến ngày 16-5 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Với 69 tranh đa chất liệu từ sơn mài, lụa đến sơn dầu, triển lãm không chỉ mang đến những tác phẩm hội họa ấn tượng, mà còn mời gọi người xem bước vào thế giới nội tâm đa màu sắc của những người phụ nữ làm nghệ thuật.
Khi phụ nữ chủ động kể chuyện mình
Với "Phụ nữ vẽ phụ nữ", triển lãm đặt ra một góc nhìn đặc biệt: khi chính phụ nữ là người kể chuyện về mình, về những người nữ quanh mình qua hội họa và góc nhìn từ bên trong.
Ở đó, mỗi bức tranh đều là lời tự bạch những nỗi niềm chân thực của mẹ, của chị, của bạn, của những người thương và của tự thân nữ họa sĩ.
"Không ai trong chúng tôi cố gắng vẽ một hình mẫu lý tưởng về phụ nữ. Chúng tôi chỉ kể những câu chuyện mình biết, bằng chất liệu dịu dàng, thật thà và bản năng sâu thẳm" - họa sĩ Tào Hương, người sáng lập nhóm "Phụ nữ vẽ phụ nữ", bộc bạch.
Vì vậy, mỗi bức tranh như một lời thủ thỉ tâm tình, mời gọi người xem dừng bước, lắng lòng chiêm ngưỡng tác phẩm, thấu cảm bằng cả trái tim và tìm thấy chính mình trong đó.
Không chỉ ấn tượng ở đề tài, triển lãm còn là cơ hội chiêm ngưỡng cách nữ tính trở thành ngôn ngữ sáng tạo, thấm đẫm trong từng bố cục, đường nét, chất liệu...
Nói như họa sĩ Ngô Đồng, triển lãm đẹp không phải bởi tranh do phụ nữ vẽ, mà đẹp bởi chính tài năng thật của các tác giả. Nhiều người trong số họ đang thuộc top đầu nữ họa sĩ Việt Nam hiện nay, cũng hiếm hoi có một triển lãm tập trung nhiều tài năng và tác phẩm đẹp như vậy.
Lặng ngắm những câu chuyện 'Khi phụ nữ vẽ về phụ nữ' - Ảnh: H.VY
Chọn tuổi thanh xuân làm chủ đề, họa sĩ Tào Hương thường vẽ thiếu nữ trong khoảnh khắc đời thường: một giấc ngủ trưa hè, ánh mắt chờ tin nhắn, hay khoảnh khắc yêu đương... bằng sự thấu hiểu nội tâm của một phụ nữ từng đi qua tuổi trẻ.
Tranh của chị mềm mại, nữ tính nhưng không hời hợt mà lắng đọng, giàu nội lực. Với sơn dầu là chất liệu chính, Tào Hương truyền vào tranh sự say mê cái đẹp thuần khiết, tạo nên một không gian vừa thực vừa thơ.
Những khoảnh khắc dịu dàng trong tranh Tào Hương - Ảnh: H.VY
Là kiến trúc sư, họa sĩ kiêm mẹ của bốn đứa con, Nguyễn Thùy Dương đưa hình ảnh phụ nữ mang thai vào trung tâm tác phẩm.
Với tạo hình tối giản và chất liệu sơn ta truyền thống, chị không chỉ tái hiện vẻ đẹp mang bầu ở hình thể tròn đầy mà còn ở sự nở rộ của nội tâm. Đó là vẻ đẹp phồn thực vừa nguyên sơ vừa thiêng liêng, nơi phụ nữ trở thành biểu tượng của sáng tạo, sinh sôi và sự sống.
Chuỗi hành trình mang thai đầy cảm xúc trong tranh Nguyễn Thùy Dương - Ảnh: H.VY
Yêu vẻ đẹp mong manh mà mạnh mẽ, họa sĩ Nguyễn Thị Hòa mang đến một thế giới sơn mài đầy chất thơ, vừa trầm lắng vừa lộng lẫy, nơi phụ nữ hiện diện trong tĩnh lặng.
Mỗi tranh là một lát cắt nhỏ của đời sống được thể hiện bằng gam màu trầm, đường nét tiết chế, chất liệu nhiều lớp như những dòng ký ức. Chị không kể chuyện lớn mà thì thầm êm ả như ru, ngợi ca vẻ đẹp phụ nữ trong nhịp sống thường nhật.
Những lát cắt đời thường bình dị trong tranh Nguyễn Thị Hòa - Ảnh: H.VY
Thơ mộng và nhạy cảm, Đỗ Anh Hoa xây dựng thế giới hội họa dựa trên sự hòa trộn giữa mỹ cảm truyền thống và tâm thế đương đại.
Phụ nữ trong tranh chị vừa kiều diễm vừa chất chứa nội tâm mạnh mẽ. Đó là những nhân vật sống động, vừa gần gũi vừa bí ẩn, gợi mở đa chiều cảm xúc cho người xem.
Vẻ đẹp giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong tranh Đỗ Anh Hoa - Ảnh: H.VY
Những vẻ đẹp của sự dịu dàng
Họa sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm chọn vẽ phụ nữ rất đỗi bình dị: khi đang ngủ, ẵm con, trang điểm, làm đẹp cho nhau. Nhân vật hiện ra dưới góc nhìn đầy thân thương, chân thực.
Tranh lụa của Trâm giống như một dạng "tư liệu hóa" cảm xúc xã hội, nơi những sinh hoạt thường nhật được nâng niu thành nghệ thuật. Chị chọn dịu dàng làm điểm tựa, không phải thứ dịu dàng yếu ớt mà ấm áp bền bỉ của tình thân, gắn bó.
Vẻ đẹp dịu dàng đời thường trong tranh Bích Trâm
Theo đuổi sơn mài như một hành trình tìm lại mỹ cảm Á Đông, những thiếu nữ tha thướt áo dài trong tranh của họa sĩ Huỳnh Thảo mang vẻ đẹp uyển chuyển, e ấp mà đầy quyến rũ.
Kết hợp tinh tế giữa đường nét cổ điển và biểu cảm hiện đại, tranh của chị là sự giao thoa giữa vẻ đẹp sơn mài truyền thống và tinh thần tìm tòi, sáng tạo không ngừng.
Những thiếu nữ đẹp cuốn hút trong tranh sơn mài của Huỳnh Thảo - Ảnh: H.VY
Lấy cảm hứng từ Andersen, Nguyễn Phương Hoa đưa phụ nữ vào thế giới của những nhân vật cổ tích, nơi mỗi ánh mắt hay dáng ngồi đều trở thành một mẩu chuyện thần tiên.
Nhưng đằng sau lớp vỏ lãng mạn mộng mơ, tranh của chị là tiếng nói khẳng định bản ngã. Với chị, mỗi người phụ nữ đều xứng đáng được vẽ, được kể, và được tôn vinh.
Vẻ đẹp như cổ tích trong tranh Nguyễn Phương Hoa - Ảnh: H.VY
Với họa sĩ Đặng Hiền, vẽ là hành trình đi vào nội tâm để đối thoại với chính mình, với người mẹ bên trong và với cả những nỗi niềm khó gọi tên.
Không khoa trương hình thức, tranh chị là một dạng "thiền họa", nơi mỗi nhân vật nữ hiện lên như biểu tượng của sự sống, ký ức và tình yêu, cũng là cánh cửa dẫn đến sự chữa lành.
Hình ảnh người mẹ trong tranh Đặng Hiền - Ảnh: H.VY
Trong tranh Đỗ Duyên, mái tóc dài của người phụ nữ thành một ẩn dụ thi vị. Nó chuyển động trong khi nhân vật bất động, như cảm xúc đang âm thầm tuôn chảy, uốn lượn, giằng co.
Với lối tiếp cận trẻ trung và đương đại, chị giải phóng hình ảnh phụ nữ khỏi những khuôn mẫu, mang họ về với đời sống, nơi họ có thể "chơi đùa với tóc", tự do bộc lộ chính mình.
Mái tóc như bản đồ cảm xúc trong tranh Đỗ Duyên
Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/phu-nu-ve-phu-nu-chat-lieu-diu-dang-that-tha-va-ban-nang-sau-tham-a171737.html