Bí ẩn khu phố nổi tiếng nhờ rác ở Ai Cập

Dù tràn ngập rác thải, nhưng khu phố Manshiyat Naser nằm ở phía đông Cairo, Ai Cập vẫn thu hút khách du lịch đến tham quan.

Khi nhắc đến thủ đô Cairo, Ai Cập nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các biểu tượng văn hoá như Kim tự tháp Giza, sông Nile huyền thoại hay khu chợ cổ kính. Nhưng ít ai biết đằng sau khung cảnh nhộn nhịp, hào nhoáng đó vẫn tồn tại một khu phố rác tại vùng ngoại ô Manshiyat Naser.

Khu vực này tập trung hơn 100.000 cư dân, nằm ngay dưới chân ngọn núi Mokattam, thuộc vùng ngoại ô phía đông Cairo và là nơi tập trung đông đảo cộng đồng Zabbaleen - tiếng Ả Rập có nghĩa là “người nhặt rác”.

Bí ẩn khu phố nổi tiếng nhờ rác ở Ai Cập- Ảnh 1.

Khu phố Manshiyat Naser tràn ngập trong rác. (Ảnh: Z Journal)

Tại đây rác thải chất đống ở khắp nơi trên đường phố, từ trong các con hẻm, thùng xe tải cho đến hành lang trong nhà. Mùi hôi thối luôn hiện hữu, nhưng với một số người, đó là mùi của cơ hội vì người dân ở Manshiyat Naser xem rác của người này có thể là kho báu với người khác.

Trong suốt nhiều thập kỷ, họ thu gom rác từ khắp thủ đô Cairo, mang về khu phố của mình để phân loại và tái chế. Khác với hình dung thông thường về công việc thu gom rác, người Zabbaleen thực hiện quá trình này một cách có hệ thống: rác được phân loại ngay tại nhà, tách riêng nhựa, kim loại, giấy, vải và thực phẩm thừa.

Gần như tất cả 100.000 cư dân tại vùng Manshiyat Naser đều sống hoặc tham gia vào hoạt động liên quan đến rác thải. Mỗi gia đình có vai trò cụ thể của riêng mình trong quá trình trải dài từ thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt đến phân loại, rửa, chế biến và sản xuất.

Trong một số gia đình, đàn ông sẽ đi đến từng nhà, thu gom khoảng 30 - 40 kg rác mỗi ngày. Sau khi trở về nhà, phụ nữ tiếp tục tiến hành loại bỏ chất thải hữu cơ để cho động vật ăn rồi phân loại phần còn lại thành nhựa, kim loại, bìa cứng và vải.

Dù cảnh tượng xung quanh khu phố này có phần hỗn loạn, nhưng nơi đây vẫn trở thành điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến. Thậm chí có một số đơn vị cung cấp dịch vụ trải nghiệm Manshiyat Naser trong ngày với giá khoảng 40 USD. Một số vlogger du lịch ưa mạo hiểm như Drew Binsky cũng từng tới đây để tận mắt chứng kiến thành phố rác.

Trước khi trở nên nổi tiếng, ít ai biết cư dân tại vùng Manshiyat Naser từng bị kỳ thị trong thời gian dài với tên gọi "zabbaleen" (người rác). Tuy nhiên, nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh, tính bền vững khiến nhiều người Ai Cập nhận ra giá trị tại vùng đất này.

Bí ẩn khu phố nổi tiếng nhờ rác ở Ai Cập- Ảnh 2.

Khu phố Manshiyat Naser nhìn từ trên cao. (Ảnh: Jaclynn Ashly)

Bất chấp sự phân biệt đối xử và nghèo đói, người Zabbaleen đã tạo nên một trong những hệ thống tái chế hiệu quả nhất thế giới. Họ phân loại mọi thứ bằng tay và sử dụng máy móc đơn giản để chuẩn bị nguyên liệu thô tái sử dụng.

Một số sản phẩm tái chế như đồ trang sức, thảm, chăn bông và văn phòng phẩm sản xuất tại khu phố này đã được xuất khẩu sang nước khác và người dân địa phương tổ chức các tour du lịch chỉ để cho du khách tham khảo phương pháp làm việc của họ.

Tại Manshiyat Naser, nhựa đã qua sử dụng có giá trị đến mức cư dân mua bán nó với nhau theo kilogram. Cuối tháng 11/2023, giá nhựa vụn đạt khoảng 860 USD mỗi tấn. Viên nhựa rửa được ưa chuộng để sản xuất nhiều loại hàng hóa, thậm chí tăng gấp đôi giá trong năm 2022. Nhiều người ở khu phố tự hào, gọi mình là doanh nhân, không phải người nhặt rác.

Nhiều hộ gia đình còn mở xưởng tái chế rác ngay trong nhà. Một số khác sẽ chuyên xử lý nhựa, làm giấy tái chế hoặc tái sử dụng kim loại và thuỷ tinh. Tất cả tạo nên giá trị khép kín, nơi mà rác trở thành tài nguyên quý giá.

Dù đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý rác thải cho thành phố, nhưng người Zabbaleen vẫn bị gạt ra khỏi các chính sách quản lý đô thị. Chính phủ Ai Cập từng nhiều lần cố gắng hiện đại hóa hệ thống thu gom rác bằng cách thuê công ty nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không như mong đợi.

Vào năm 2003, chính quyền Cairo ký hợp đồng với một số công ty thu gom rác của châu Âu. Những công ty này sử dụng xe tải kín, không cho phép người Zabbaleen tiếp cận rác như trước. Điều này khiến nhiều người mất kế sinh nhai và khiến tỷ lệ tái chế giảm sút đáng kể, do các công ty không thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Đặc biệt, vào năm 2009, chính phủ ra lệnh tiêu hủy toàn bộ đàn lợn - nguồn thu nhập chính của cộng đồng Zabbaleen để ngăn chặn dịch cúm lợn khiến hàng nghìn người mất kế sinh nhai, trong khi rác hữu cơ không còn được xử lý hiệu quả như trước.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng người Zabbaleen vẫn kiên cường bám trụ tại khu phố Manshiyat Naser và tiếp tục công việc tái chế, duy trì lối sống gắn bó với họ hàng thế hệ.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/bi-an-khu-pho-noi-tieng-nho-rac-o-ai-cap-a170041.html