Giấc mơ Mỹ vỡ tan, thu nhập ít nhất 3 tỷ đồng/năm mới dám nghĩ đến mua nhà trả góp

Quan điểm tiêu cực của người Mỹ về lạm phát một phần đến từ niềm tin rằng tiền lương của họ không theo kịp.

Giấc mơ Mỹ vỡ tan, thu nhập ít nhất 3 tỷ đồng/năm mới dám nghĩ đến mua nhà trả góp- Ảnh 1.

Căn hộ 2 phòng ngủ rộng 100 m2 của gia đình Petersen tại Campbell, Bắc California, ngày càng trở nên chật chội khi đón thêm thành viên mới. Đồ chơi cậu con trai 4 tuổi Jerrik rải rác khắp nhà và không lâu nữa, đồ dùng của cô con gái nhỏ 9 tháng tuổi Carolynn cũng sẽ khiến tổ ấm này thêm bừa bộn.

Jenn, 42 tuổi, làm nghề nắn chỉnh xương, từng hy vọng sẽ cùng chồng Steve là nha sĩ 39 tuổi mua một căn nhà khang trang. Giấc mơ này có lẽ khó trở thành hiện thực trong bối cảnh lãi suất thế chấp và giá nhà ở cao dai dẳng, dù cho thu nhập lên tới 270.000 USD mỗi năm (gần 7 tỷ đồng).

Theo dữ liệu từ Cục dự trữ liên bang chi nhánh Atlanta, một gia đình ở San Jose kiếm trung bình 156.700 USD sẽ cần chi 80% thu nhập cho nhà ở - bao gồm trả góp tiền nhà hàng tháng 8.600 USD - để sở hữu ngôi nhà có giá trung bình 1,54 triệu USD. Con số này cao hơn nhiều so với quy tắc chung là mọi người không nên trả quá 30% thu nhập cho khoản vay mua hoặc thuê nhà.

Chuyển ra khỏi California là điều không thể với gia đình Petersen. Thu nhập sẽ giảm mạnh nếu gia đình này đến nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn. “Tôi không muốn từ bỏ công việc để mua nhà”, Petersen nói.

Chuyện người Mỹ có thu nhập tốt nhưng không mua nổi nhà đã trở thành xu hướng. Tính đến mùa thu năm ngoái, những người vay mua nhà ở nước này đã phải chi trung bình 42% thu nhập để trả nợ, theo Fed Atlanta. Bốn năm trước, tỷ lệ đó là 28%.

“Giấc mơ Mỹ, như cha mẹ chúng tôi từng biết, giờ không còn nữa”, Petersen phàn nàn.

Theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng bất động sản Realtor, để mua trả góp một căn nhà giá trung bình tại Mỹ, người dân cần có thu nhập hàng năm ít nhất 114.000 USD (gần 3 tỷ đồng). Phân tích này giả định khách hàng trả trước 20%, phần còn lại vay thế chấp lãi suất cố định 30 năm và chi phí nhà ở không vượt quá 30% thu nhập hàng tháng trước thuế.

Giấc mơ Mỹ vỡ tan, thu nhập ít nhất 3 tỷ đồng/năm mới dám nghĩ đến mua nhà trả góp- Ảnh 2.

So với 6 năm trước, người Mỹ cần thu nhập hàng năm tăng thêm 47.000 USD mỗi năm để mua được một căn nhà giá trung bình. Khi đó, giá nhà trung bình tại Mỹ là 314.950 USD và lãi suất cố định 30 năm quanh mức 4,1%. Trong khi đó, tuần này, mức lãi suất đã lên tới 6,76%.

Theo Stefanie Stantcheva, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, quan điểm tiêu cực của mọi người về lạm phát một phần đến từ niềm tin rằng tiền lương của họ không theo kịp. Bà đã khảo sát mọi người vào đầu năm nay để tìm hiểu quan điểm của công chúng về lạm phát. “Điều này góp phần gây ra sự không thích lạm phát và cảm giác rằng nó làm xói mòn mức sống của bạn”, Stantcheva cho biết.

Có thể thấy, đa số người Mỹ đều cảm nhận được rằng cơ hội thành công của họ đã giảm đi. “Giấc mơ Mỹ dường như đã nằm ngoài tầm với so với các thế hệ trước”, Emerson Sprick, nhà kinh tế tại Washington, DC, nói và cho biết sự suy giảm liên tục của lương hưu trong bối cảnh gia tăng chi phí sở hữu nhà là 2 trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất trong thập kỷ.

Marquell Washington từng được dạy rằng bằng đại học là chiếc vé cuối giúp mình thoát khỏi khu phố nghèo. Anh là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học, song cũng bỏ dở vào năm thứ 3 vì một số lý do cá nhân. Hiện Washington kiếm được khoảng 30.000 USD/năm nhờ công việc bán thời gian cho tổ chức phi lợi nhuận My Block, My Hood, My City. Thu nhập được cho là không đủ để anh trả nốt nợ chứ đừng nói gì đến mua nhà.

“Họ không nói cho bạn biết giấc mơ Mỹ khó khăn như thế nào”, Washington nói. “Bạn phải tự tìm ra câu trả lời”.

Thuế quan khiến mọi thứ trở nên hỗn độn hơn. Việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã gây ra phản ứng dây chuyền: chi phí sản xuất tại Mỹ tăng mạnh, trong khi người tiêu dùng ngày càng thận trọng chi tiêu.

“Người dân là những người chịu thiệt đầu tiên. Giá bán lẻ tăng do thuế quan được chuyển vào giá sản phẩm. Thêm vào đó, đồng USD đang mất giá”, ông Viktor Yale, chủ cửa hàng hàng hóa cao cấp, New York chia sẻ.

Sự quan ngại cũng lan rộng trong giới bán buôn và công nghiệp phụ trợ - những mắt xích trung gian dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Albert Solis, nhân viên kinh doanh linh kiện ô tô nói: “Chiến tranh thương mại không giúp ích ai cả. Thứ quan trọng nhất là lòng tin vào thị trường. Một khi chúng mất đi, toàn bộ nền kinh tế sẽ chịu tác động”.

Giấc mơ Mỹ vỡ tan, thu nhập ít nhất 3 tỷ đồng/năm mới dám nghĩ đến mua nhà trả góp- Ảnh 3.

Richard Thomas và Cherish Celetti từng tự hào đã thực hiện được giấc mơ Mỹ khi mua căn hộ năm phòng ngủ ở Mount Vernon, New York với giá 612.000 USD vào năm 2017. Tuy nhiên, kể từ khi có con, chi phí hàng tháng tăng lên rất nhiều. Lạm phát cũng khiến hóa đơn, giá thực phẩm và bảo hiểm của gia đình 6 người này tăng phi mã.

Cả Thomas và Celetti hiện đều phải cắt giảm kế hoạch nghỉ mát. Họ biết rằng bán nhà - tài sản đã tăng gấp đôi giá trị - sẽ là lựa chọn tốt nhất, song nếu bán thì không biết sẽ đi đâu.

“Chúng tôi muốn nuôi dạy con cái ở đây, nhưng giấc mơ có thể làm được điều đó thực sự nằm ngoài tầm với”, Thomas nói. “Giấc mơ Mỹ giờ như ác mộng”.

Còn tại Des Plaines, Ill., Kevin Murphy, 31 tuổi, phàn nàn rằng việc tìm kiếm bạn đời ngày nay rất khó bởi hẹn hò quá đắt đỏ. Anh không phải lúc nào cũng đủ khả năng trả toàn bộ bữa ăn và vì vậy, lo lắng rằng mình sẽ kém hấp dẫn hơn trong mắt bạn tình.

Trong một cuộc thăm dò của WSJ/NORC, 62% số người được hỏi cho biết hôn nhân là điều cần thiết hoặc quan trọng đối với giấc mơ Mỹ. Chỉ có 47% trong số đó cho rằng điều này dễ dàng đạt được.

“Với tôi, giấc mơ Mỹ dường như xa vời hơn bao giờ hết”, Murphy nói và cho biết mình đặc biệt lo lắng về vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, vốn đã gia tăng theo thời gian.

Theo: WSJ, The NY Times

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/giac-mo-my-vo-tan-thu-nhap-it-nhat-3-ty-dongnam-moi-dam-nghi-den-mua-nha-tra-gop-a170026.html