Thị trường ngày 1/5: Giá dầu ghi nhận tháng giảm mạnh nhất từ năm 2021, vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp

Giá dầu có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021, đồng cũng ghi nhận giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022, quặng sắt giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong khi vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp

Thị trường ngày 1/5: Giá dầu ghi nhận tháng giảm mạnh nhất từ năm 2021, vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp- Ảnh 1.

Dầu ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2021

Giá dầu giảm và có tháng giảm mạnh nhất trong gần 3,5 năm sau khi Saudi Arabia báo hiệu động thái tăng sản xuất và mở rộng thị phần, trong khi cuộc chiến thương mại toàn cầu làm xói mòn triển vọng nhu cầu nhiên liệu.

Chốt phiên 30/4, dầu thô Brent giảm 1,13 USD hay 1,76% xuống 63,12 USD/thùng. Dầu WTI giảm 2,21 USD hay 3,66% xuống 58,21 USD/thùng.

Trong tháng này dầu Brent và WTI giảm lần lượt 15% và 18%, giảm mạnh nhất tính theo phần trăm kể từ tháng 11/2021.

Cả hai loại dầu đều giảm sau khi Saudi Arabia, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới báo hiệu họ không muốn hỗ trợ thị trường dầu bằng cách cắt giảm nguồn cung nữa và có thể chịu được giai đoạn giá dầu thấp. Trước đó trong tháng này, Saudi Arabia đã thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến trong tháng 5.

Một số thành viên OPEC+ sẽ đề xuất tăng sản lượng trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6. Nhóm sẽ họp vào ngày 5/5 để thảo luận về kế hoạch sản lượng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ vào ngày 2/4 và Trung Quốc đã đáp trả bằng mức thuế của riêng mình, làm bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Mối lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng, đã hạn chế đà giảm giá.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,7 triệu thùng xuống 440,4 triệu thùng trong tuần trước, so với dự đoán của giới phân tích trong một thăm dò của Reuters là tăng 429.000 thùng.

Vàng giảm

Giá vàng giảm nhẹ do đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất tăng lên sau khi tăng trưởng kinh tế của Mỹ yếu hơn dự kiến trong quý 1.

Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 3.308,32 USD/ounce, nhưng ghi nhận tháng tăng thứ 4 liên tiếp, tăng gần 6% trong tháng 4. Trong phiên có lúc giá vàng đã giảm hơn 1%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,4% xuống 3.319,1 USD/ounce.

Số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ giảm 0,3% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp vội vàng nhập khẩu hàng hóa trước thời điểm chính quyền Trump dự kiến áp dụng mức thuế quan.

Vàng không sinh lời, một biện pháp bảo vệ chống lại tình trạng bất ổn chính trị và tài chính, cũng tăng mạnh trong môi trường lãi suất thấp. Lần gần đây nhất, nó tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 3.500,05 USD/ounce vào ngày 22/4.

Đồng giảm hơn 3%

Giá đồng giảm hơn 3%, hướng tới tháng giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2022 trong bối cảnh số liệu yếu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu và tình hình thương mại bất ổn kéo dài.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 3,4% xuống 9.123 USD/tấn. Trong tháng 4 đồng giảm 6%.

Đồng Comex của Mỹ giảm 5,5% xuống 4,61 USD/lb. Đồng Comex giảm mạnh hơn do các nhà đầu tư thanh lý các hợp đồng trước kỳ vọng về mức thuế quan của Mỹ đối với đồng.

Thị trường tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề do chưa có tiến triển trong việc hạ nhiệt xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Thêm vào sự lo lắng là số liệu cho thấy nền kinh tế của Mỹ đã suy giảm trong quý 1.

USD mạnh lên khiến kim loại định giá bằng đồng USD đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Quặng sắt ghi nhận tháng thứ 3 sụt giảm

Giá quặng sắt giảm, ghi nhận tháng thứ 3 giảm liên tiếp trong bối cảnh khả năng cắt giảm sản lượng thép tại Trung Quốc, trong khi nhu cầu chậm lại trước kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 0,78% xuống 703,5 CNY (96,81 USD)/tấn. Hợp đồng này đã mất 3,96% trong tháng này.

Tại Singapore quặng sắt giao tháng 5 giảm 0,67% xuống 97,8 USD/tấn, giảm 3,16% trong tháng.

Các nhân vật cấp cao trong ngành công nghiệp Trung Quốc chỉ ra khả năng cắt giảm sản lượng thép mặc dù không có lệnh chính thức của chính phủ, gây áp lực lên giá các thành phần sản xuất thép.

Các thị trường tài chính của Trung Quốc sẽ đóng cửa từ ngày 1 tới 5/5 để nghỉ lễ. Giao dịch sẽ khôi phục vào ngày 6/5.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng vào tháng 4, theo một cuộc khảo sát về nhà máy, khi gói thuế quan của Donald Trump đã phá vỡ hai tháng phục hồi.

Tại Thượng Hải, thép thanh và cuộn cán nóng cả hai đều giảm khoảng 0,4%, dây thép cuộn giảm gần 0,2% và thép không gỉ giảm 0,24%.

Cao su Nhật Bản có tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2017

Cao su Nhật Bản tăng trong phiên nhưng ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong 8 năm do chính sách thuế quan của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu toàn cầu, trong khi dự đoán nguồn cung cũng gây áp lực lên giá.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,69% lên 293,9 CNY (2,06 USD)/kg. Tính chung cả tháng hợp đồng này giảm 15,79%, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2017.

Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 0,99% xuống 14.555 CNY (2.003,08 USD)/tấn.

Đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đáo hạn trong phiên, đóng cửa giảm 0,9% xuống 17,46 US cent/lb, trước đó giá đã chạm 17,38 US cent, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.

Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil đạt tổng cộng 731.000 tấn trong nửa đầu tháng 4, tăng 1,25% so với một năm trước và vượt ước tính của các nhà phân tích.

Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil dự kiến đạt 41,8 triệu tấn trong niên vụ 2025/26, tăng 3,7% so với niên vụ trước đó, theo cơ quan nông nghiệp nhà nước Conab.

Tuy nhiên, công ty hàng hóa mềm Sugar Trading Academy dự báo sản lượng đường niên vụ 2025/26 tại trung nam chỉ là 38,1 triệu tấn.

Đường trắng giảm 0,8% xuống 492,8 USD/tấn.

Cà phê tăng

Cà phê arabica đóng cửa tăng 0,95 US cent hay 0,2% lên 4,0075 USD/lb, giá đã lên mức cao nhất hai tháng rưỡi tại 4,189 USD trong ngày 29/4.

Việc mua vào của các quỹ dựa theo yếu tố kỹ thuật đã kích hoạt sau khi giá vượt mức kháng cự khoảng 4 USD/lb.

Cà phê robusta tăng 1,3% lên 5.369 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê Robusta Sumatra của Indonesia trong tháng 3 đạt 22.770,8 tấn tăng từ 3.947,5 tấn trong năm ngoái.

Đậu tương thấp nhất 2 tuần, ngô, lúa mì tăng

Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm sau khi chạm mức thấp nhất trong hai tuần do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu xuất khẩu. Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 8-1/4 US cent xuống 10,44-1/2 USD/bushel và đã chạm giá thấp nhất kể từ ngày 16/4.

Lúa mì đóng cửa tăng do việc săn giá hời. Lúa mì CBOT mề đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 7 tăng 5-1/4 US cent lên 5,30-3/4 USD/bushel. Trước đó giá đã xuống 5,23-1/4 USD.

Ngô tăng do nhu cầu xuất khẩu vững của Mỹ.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 5-1/4 US cent lên 4,75-1/2 USD/Bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 1/5"

Thị trường ngày 1/5: Giá dầu ghi nhận tháng giảm mạnh nhất từ năm 2021, vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp- Ảnh 2.

Link nội dung: https://www.saigoneconomy247.com/thi-truong-ngay-15-gia-dau-ghi-nhan-thang-giam-manh-nhat-tu-nam-2021-vang-tang-thang-thu-4-lien-tiep-a169521.html