Giữ gìn “hồn trống” bên dòng Vàm Cỏ Tây

Admin

Nằm bên dòng Vàm Cỏ Tây, làng nghề trống Bình An đã tồn tại và phát triển hơn 170 năm qua, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

Nghề trống hơn 170 năm tuổi

Làng nghề trống Bình An, thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An (nay là xã Tân Trụ, tỉnh Tây Ninh) được hình thành từ khoảng năm 1853 bởi cụ tổ Nguyễn Văn Ty.

Trải qua hơn 170 năm, nghề làm trống tại đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân địa phương.

Những âm thanh trầm bổng của trống không chỉ vang vọng trong các lễ hội, mà còn gắn liền với những kỷ niệm, phong tục tập quán của người dân bên dòng Vàm Cỏ Tây.

Giữ gìn “hồn trống” bên dòng Vàm Cỏ Tây- Ảnh 1.

Làng nghề trống Bình An đã tồn tại và phát triển hơn 170 năm qua.

Theo những nghệ nhân nơi đây, nghề làm trống không chỉ đơn thuần là một công việc, mà còn là một nghệ thuật đòi hỏi sự đam mê và tâm huyết. Mỗi chiếc trống được tạo ra đều mang trong mình một câu chuyện, một tâm tư của người nghệ nhân.

Hầu hết các công đoạn sản xuất đều được thực hiện thủ công, từ việc chọn gỗ làm thùng trống phẳng da trâu khô cứng. Những nghệ nhân nơi đây phải dùng rất nhiều sức và sự khéo léo để đảm bảo rằng âm thanh phát ra từ chiếc trống là hoàn hảo nhất.

Giữ gìn “hồn trống” bên dòng Vàm Cỏ Tây- Ảnh 2.

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, căng da mặt trống được các nghệ nhân chú trọng và xem là công đoạn khá công phu.

Để tạo ra một sản phẩm trống chất lượng, các nghệ nhân phải mất cả tháng trời. Mỗi bước trong quy trình sản xuất đều được thực hiện với sự tỉ mỉ và cẩn thận. Việc phơi nắng các vật liệu cũng là một bí quyết riêng, quyết định đến chất lượng âm thanh của trống.

Ông Năm Mến, nghệ nhân đời thứ năm nối nghiệp cụ Ty không chỉ là người gìn giữ nghề mà còn là người truyền lửa cho thế hệ kế tiếp. 2 người con trai của ông, Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn An, đã tiếp bước cha mình, không ngừng học hỏi và phát triển nghề làm trống.

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

Bên cạnh việc giữ gìn các mẫu trống truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn An và các nghệ nhân khác luôn tư duy để tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hiện tại, làng trống Bình An sản xuất hàng trăm loại trống khác nhau, từ trống Bát Nhã, trống Chầu, trống Lân, đến trống nhạc lễ và trống Kinh Sư.

Giữ gìn “hồn trống” bên dòng Vàm Cỏ Tây- Ảnh 3.

Cố định da mặt trống chính xác để trống tạo ra âm thanh trầm bổng như ý.

Mỗi loại trống đều có một chức năng và ý nghĩa riêng, gắn liền với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên, nghề làm trống Bình An đang đối mặt với nhiều thách thức. Số hộ gia đình theo nghề giảm dần do không có người nối nghiệp.

Sức sống làng nghề ở Đông AnhNhững người "thắp lửa" làng nghề

Thông tin với Người Đưa Tin, đại diện UBND xã Tân Trụ cho biết, địa phương cùng ngành chức năng đang nỗ lực hỗ trợ các nghệ nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín của trống Bình An.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm trống Bình An còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Trung Quốc, Mỹ, Úc và châu Âu, với số lượng hàng ngàn sản phẩm mỗi năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Giữ gìn “hồn trống” bên dòng Vàm Cỏ Tây- Ảnh 4.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm trống Bình An còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.

Để bảo tồn và phát triển nghề làm trống, địa phương có kế hoạch xây dựng phòng trưng bày trống Bình An tại Khu di tích Vàm Nhật Tảo. Đây sẽ là nơi để người dân và du khách có thể tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất trống và nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Làng nghề trống Bình An không chỉ là nơi sản xuất ra những chiếc trống chất lượng mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Với sự đam mê và tâm huyết của các nghệ nhân, nghề làm trống gần 200 năm tuổi sẽ tiếp tục phát triển và được gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Thanh Lâm