
Ông Rudi Hendri, 55 tuổi, từng bán quần áo sản xuất trong nước suốt hơn 10 năm tại khu chợ Tanah Abang ở Jakarta, Indonesia. Đây là một trong những trung tâm buôn bán vải vóc và thời trang lớn nhất Đông Nam Á.
Cho đến 3 năm trước, mọi thứ thay đổi khi một doanh nhân Trung Quốc tìm đến gian hàng của Hendri và giới thiệu loạt sản phẩm thể thao chất lượng cao với giá rẻ hơn hẳn hàng nội địa.
Ông Hendri khó lòng cưỡng lại. “Nếu chất lượng tốt và giá hợp lý, tôi sẽ mua”. Hiện ông vận hành 3 gian hàng, hợp tác trực tiếp với các nhà máy Trung Quốc.
Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố giao thương với Trung Quốc đang khiến dân Mỹ mất việc làm, chính nền kinh tế và việc làm của Indonesia cũng đã chịu ảnh hưởng từ trước. Ngành may mặc đã cảm nhận rõ điều này trong 2 năm qua.
300.000 lao động mất việc
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất sợi Indonesia, làn sóng hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc đã gây tổn thất nặng nề cho chuỗi cung ứng trong nước, đặc biệt kể từ năm 2023. Chủ tịch hiệp hội, ông Redma Gita Wirawasta, ước tính khoảng 300.000 lao động dệt may đã mất việc trong 2 năm qua do hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa, ép giá và khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa.

Ngày 15/7, ông Trump công bố mức thuế 19% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia. “Kịch bản tệ nhất không phải là chúng tôi không thể xuất khẩu mà là ngày càng nhiều hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Indonesia”, ông Wirawasta nói.
Trường hợp của nhà máy dệt may Sritex tại thành phố Solo là minh chứng rõ ràng nhất. Tháng 3/2024, Sritex – một trong những nhà máy lớn nhất nước – chính thức ngừng hoạt động vì không thể gánh nổi nợ, khiến hơn 10.000 công nhân mất việc.
Tumi, 53 tuổi, từng làm việc 30 năm tại đây, xúc động kể: “Tất cả những gì tôi có – ngôi nhà này, chi phí học cho con – đều từ Sritex".
Tại một quầy hàng quần áo khác gần nhà ông Rudi ở Tanah Abang, Samuel Lie, 48 tuổi, tự thấy mình may mắn khi kiếm được 4.000 USD một tháng dù con số này chưa bằng một nửa so với trước đây. Hầu hết khách hàng đã ngừng mua hàng của Lie từ vài năm trước. Họ nói với anh rằng mua hàng từ Trung Quốc rẻ hơn. Chúng tôi không thể cạnh tranh về chất lượng”, anh nói.
Các tiểu thương tại chợ vải Bandung – nơi từng nổi tiếng với sản phẩm từ các nhà máy trong nước – giờ đây cũng chuyển sang bán vải Trung Quốc, ngoại trừ batik truyền thống. “Trước 2021, chúng tôi bán vải xuất dư từ nhà máy trong vùng. Giờ gần như toàn vải Trung Quốc", một tiểu thương chia sẻ trên livestream TikTok.
Không chỉ rẻ hơn, hàng Trung Quốc ngày càng cải thiện chất lượng và được hậu thuẫn bởi trợ cấp từ chính phủ cùng quy mô sản xuất khổng lồ.
Áp lực đã trở nên nghiêm trọng đến mức cựu tổng thống Indonesia đã đe dọa áp thuế lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống đương nhiệm, Prabowo Subianto, thậm chí còn kêu gọi đánh chìm các tàu buôn lậu hàng dệt may, phần lớn đến từ Trung Quốc.
Khó thoát phụ thuộc
Sự cấp bách này trùng hợp với việc xuất khẩu của Trung Quốc tăng tốc khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu, các nhà máy Trung Quốc, được hỗ trợ bởi các khoản vay và hỗ trợ của chính phủ, đã chuyển hướng sang Đông Nam Á nhờ vị trí địa lý gần, hiệp định thương mại với ASEAN và tiềm năng thị trường. Chỉ riêng Indonesia đã có 284 triệu dân. Tốc độ xuất khẩu từ Trung Quốc sang Đông Nam Á chỉ tăng tốc kể từ khi ông Trump áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc, khiến thị trường lớn nhất là Mỹ bị hạn chế.

Theo số liệu mới nhất, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Indonesia tăng 51% trong tháng 4/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này tăng đã khiến ông Trump cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách chuyển hướng hàng hóa qua các quốc gia khác để tránh thuế.
Giải pháp cho Indonesia, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, không nhất thiết phải dựng lên rào cản thương mại đối với Trung Quốc.
Nhưng khả năng sản xuất hàng hóa giá rẻ với quy mô lớn của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Indonesia thường xuyên chịu thiệt khi giao thương với Trung Quốc. Nền kinh tế Indonesia đã trở nên gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc đến mức, theo một ước tính, khi kinh tế Trung Quốc giảm 1%, thì kinh tế của Indonesia sẽ giảm 0,3%.
Trung Quốc cũng là nước mua nhiều nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia như dầu cọ và than đá.
Không chỉ là nguồn cung hàng hóa, Bắc Kinh còn là nhà đầu tư lớn tại Indonesia. Dự án đường sắt cao tốc Jakarta–Bandung được Trung Quốc xây dựng toàn bộ, từ công nghệ, thiết kế đến thi công. Trong đại dịch, hàng nghìn công nhân Trung Quốc xây tuyến đường sắt này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Euben Paracuelles (Ngân hàng Nomura), đây không phải là tình huống Trung Quốc lách thuế Mỹ qua Indonesia bởi hầu hết hàng hóa Trung Quốc đến đây là để bán trực tiếp cho người tiêu dùng trong nước.
Tham khảo: NYT